Kỹ thuật nuôi tôm đồng

Nắm vững và vận dụng đúng kỹ thuật nuôi là một trong những yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế của tôm đồng.

1. Cách chọn giống tôm khỏe

Quan sát tôm

Tôm giống phải có kích thước đồng đều trong bể ương, tôm bám thành tốt, hoạt động linh hoạt. Khi bơi, đuôi xòe ra, cặp râu lúc nào cũng khép kín, kể cả khi bám tại chỗ.

Có thức ăn đầy đường ruột tạo thành một đường màu nâu nằm dọc theo sống lưng, đốt bụng dài và thịt đầy vỏ, không có vật bẩn bám, các phụ bộ không bị dị tật.

Tôm khỏe sẽ có phản ứng búng ngược và phản xạ nhanh.

Thu hoạch tôm (Nguồn Internet) 

Gây sốc Formol

Sốc Formol nồng độ 200- 250ml/m3 trong 30 phút, nếu tỷ lệ tôm chết không quá 5% là tôm khỏe.

Hạ độ mặn đột ngột (đối với tôm nước mặn)

Nếu nước trong bể ương tôm có độ mặn trên 20%o cho thêm nước ngọt vào làm giảm độ mặn xuống còn một nửa (tức là 01 lít nước trong bể ương và 01 lít nước ngọt)

Nếu độ mặn thấp hơn 15%o có thể cho tôm vào thẳng trong môi trường nước ngọt

Sau 02 giờ quan sát, nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là tôm khỏe.

Chọn qua xét nghiệm

Nếu có điều kiện và để đảm bảo chắc chắn, có thể gửi mẫu tôm giống đi xét nghiệm bằng phương pháp PCR, hoặc mô học để xác định xem tôm có bị ủ các mầm bệnh không, từ đó lựa chọn đàn giống có chất lượng tốt nhất.

2. Chuẩn bị ao nuôi

Chọn ao nuôi

Thông thường ao nước ngọt, hoặc ao nước mặn mà nuôi được cá thì đều có thể cải tạo để nuôi tôm. Tuy nhiên, vì tôm không chịu được nước thiếu ô xy, khi lột xác thì nằm xuống đáy ao, do đó cần chọn ao có chất nước trong, không độc hại hay ô nhiễm, nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước dễ dàng, ít bùn lắng, giao thông và nguồn điện thuận tiện. Ao tương đối màu mỡ, gần nguồn nước, có thể thường xuyên tháo nước mới vào ra, hoặc nguồn điện thuận tiện, có thể tăng lượng ô xy bằng máy móc thiết bị cũng có thể chọn dùng để nuôi tôm. Tuy nhiên, nếu ao quá màu mỡ, tôm thường xuyên nổi đầu, không có nguồn nước và nguồn điện, thì không nên chọn để nuôi tôm.

Tiêu độc cho ao

Trước khi thả tôm nên rút cạn nước trong ao, để cho đáy ao được phơi nắng, tu sửa bờ ao và cống (cửa) cấp thoát nước, dọn sạch bùn lắng, cỏ tạp; dùng thuốc tiêu độc triệt để cho ao để diệt trừ sinh vật hại cho tôm (cách tiêu độc ao tôm cũng tương tự như tiêu độc cho ao nuôi cá nước ngọt).

Chăm sóc chất nước

Sau 7- 10 ngày dọn sạch ao nuôi thì tháo nước vào (lưu ý cần lắp thêm một tấm lưới lọc ở cửa cấp thoát nước để ngăn chặn sinh vật hại theo nước vào ao).

Tôm con còn yếu, khả năng bơi và tìm kiếm thức ăn kém, chủ yếu là ăn động vật phù du và côn trùng thủy sinh thân mềm; do đó thức ăn tự nhiên trong ao nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống và tốc độ sinh trưởng của tôm. Vì thế, sau khi dọn sạch ao cần bón từ 0,3- 0,45kg phân chuồng đã ủ chua/1m2 ao, hoặc bón 2- 4g phân đạm và 0,2- 0,4g phân lân/m3 nước để nuôi dưỡng sinh vật phù du trong ao làm cho nước ao có màu xanh nâu, hoặc xanh vàng. Sau đó xem tình hình chất nước để bón phân cho thích hợp.

Nếu dùng ao nước ngọt để nuôi tôm nước mặn, thì phải điều tiết độ mặn của chất nước đạt tới tỷ trọng là 1,001 và duy trì cho đến khi tôm trưởng thành để đảm bảo tỷ lệ sống của tôm giống sau khi thả vào ao. Điều chỉnh độ mặn nước ao bằng cách: bỏ 11g nước biển 17%o cho mỗi m3 nước.

3. Kỹ thuật thả tôm giống

Thông thường, ít người chú ý đến kỹ thuật thả tôm, vì cho rằng không có gì phức tạp và không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm. Thực tế không phải như vậy, kỹ thuật thả tôm rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự thích nghi và sức khỏa của tôm sau khi chuyển từ môi trường này đến môi trường khác

.

Phương pháp thả giống

Thả đúng kỹ thuật sẽ làm tăng tỷ lệ sống của tôm. Nên thả vào lúc sáng sớm, hay chiều mát. Không nên thả vào lúc trời mưa hay điều kiện môi trường ao nuôi chưa thích hợp. Thả tôm vào đầu hướng gió để tôm dễ phân tán khắp ao.

Có hai cách thả tôm như sau:

Cách 1: Các bọc tôm mới chuyển về được thả trên mặt ao trong khoảng 10- 15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bọc, sau đó mở bọc cho tôm bơi ra từ từ. Phương pháp này áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong và ngoài bọc tôm chênh lệch nhau không quá 5%o. Cần làm cầu gần mặt nước để có thể mở bọc tôm dễ dàng, tránh lội xuống làm đục nước ao.

Cách 2: Thường áp dụng cho trường hợp độ mặn của nước trong bọc tôm và độ mặn nước ao chênh lệch trên 5%o. Tôm mới chuyển về cần một thời gian thuần hóa ngay tại ao để tôm thích nghi dần với độ mặn của ao và các yếu tố môi trường khác. Cần chuẩn bị một thau lớn dung tích khoảng 20 lít và máy sục khí. Đổ các bọc tôm vào thau (khoảng 10.000 con/thau) và sục khí, đồng thời cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm dần thích nghi; sau 10- 15 phút thì nghiêng thau từ từ cho tôm bơi ra ao.

Có thể ước lượng tỷ lệ sống của tôm bằng cách dùng lưới diện tích 2- 3m2, sâu 01m đặt ngay trong ao thả vào lưới 1.000- 2.000 tôm bột, cho tôm ăn bình thường; sau 3- 5 ngày kéo nhanh lưới lên đế tô để xác định tỷ lệ.

Một số dấu hiệu cho thấy tôm khỏe và thích nghi với môi trường ao nuôi là không có tôm chết khi thuần trong thau, tôm bơi lội linh hoạt, bám vào thành thau, khi thả xuống ao thì bơi chìm xuống đáy, không bám theo mí nước và không nổi trên mặt nước.

Mật độ nuôi

Nếu diện tích ao nuôi từ 0,5- 1,0ha thì thả 3-4 con/m2; nếu diện tích nhỏ hơn 0,5ha thì thả 5-10 con/m2.

4. Các bước quản lý sức khỏe cho tôm

Hàng ngày: Ghi chép đầy đủ những hiện tượng không bình thường của tôm, số lượng tôm bị bệnh và chết ở gần bờ. Cần vớt hết tôm chết và chôn, hoặc xử lý cách xa ao nuôi.

– Hàng tuần: Bắt khoảng 10 con kiểm tra vỏ hoặc mang có bị bẩn không, nếu có nên rắc thức ăn ra xa hơn và lấy lưới mắt nhỏ hoặc dùng tay vớt tảo ở đáy ao, hoặc nổi trên mặt nước. Sau đó thay từ 15- 20cm nước rổi rải đều bột đá xuống ao theo mức từ 200- 300kg/ha ao nuôi.

– Nếu không thấy tôm có bệnh, nhưng sau khi thả được 3- 4 tuần mà tôm vẫn bơi quanh bờ, cần kiểm tra lớp đất ở đáy ao, nếu đất có màu đen hoặc có tảo thì vớt sạch, đồng thời giảm bớt lượng thức ăn và thay từ 15- 20cm nước, rải đều bột đá xuống ao theo mức từ 200- 300kg/ha. Nếu đáy ao bình thường (đất không có màu đen và không có tảo) thì tăng thêm một ít lượng thức ăn.

– Nếu tôm có bệnh hay chết ở bờ ao, hoặc bị nhiễm bệnh phân trắng, cần kiểm tra vỏ hoặc mang có bị bẩn không. Nếu có không nên xử lý bằng thuốc mà cần giảm lượng thức ăn và thay từ 15- 20cm nước, sau đó rải đều bột đá theo mức 200- 300kg/ha ao.

– Nếu đã xử lý các bước như trên mà vẫn còn tôm bệnh hoặc chết. Hãy kiểm tra nếu thấy khoảng 50% tôm không ăn, cần xem xét thu hoạch.

– Nếu thấy tôm bệnh hoặc chết trong hai ngày liên tiếp hãy thông báo cho chủ các ao xung quanh biết và không được tháo nước ao, đồng thời tiến hành thu hoạch. Nếu số tôm chết giảm dần và ngừng hẳn trong vòng 10 ngày, có thể tiến hành thay nước ao.

– Nếu thấy tôm bệnh, hoặc chết sau khi trời mưa và đất ao có chất phèn lập tức bón vôi bột cho ao, lượng từ 100- 200kg/ha và rắc quanh bờ ao. Cần tham khảo ý kiến cán bộ khuyến ngư để đo độ pH và độ mặn của nước để có biện pháp xử lý thích hợp.

– Không chuyển tôm hoặc nước từ ao có tôm bệnh sang ao khác.

– Nếu thấy tôm bơi quanh bờ vào các buổi sáng sớm, cần thay ngay 15- 20cm nước, giảm lượng thức ăn và tăng cường quạt nước.

– Nếu thấy tôm bệnh hoặc chết trong quá trình nuôi, hãy đọc kỹ các bước trên để đề phòng các vấn đề xảy ra trong vụ nuôi tiếp theo.

5. Một số điều cần chú ý trong quá trình chăm sóc tôm

Cho ăn

Tôm giống khi mới được thả xuống ao chủ yếu ăn động vật phù du và ấu trùng của côn trùng thủy sinh. Để bổ sung thức ăn thiên nhiên cho tôm, cần tăng thêm một số cám lạc đã ướt, thịt cá hoặc trứng gà nấu chín băm nhỏ… Cùng với sự lớn lên của tôm, từng bước chuyển sang thức ăn viên hỗn hợp là chủ yếu.

Cho tôm ăn phải đúng thời gian, đúng số lượng; khi cho ăn cần vãi đều dọc theo mép nước bờ ao. Lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5- 7% trọng lượng cơ thể tôm. Buổi sáng cho ăn vào lúc 9- 10h; buổi chiều từ 4-5h; buổi tối 8- 9h.

Điều tiết nước trong ao

Chất nước là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sinh sản cũng như sản lượng và hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm. Điều chỉnh chất nước ao một cách khoa học là việc quan trọng trong quá trình nuôi. Các biện pháp điều tiết chất nước ao gồm:

– Tháo thêm nước: Đây là cách cải thiện chất lượng nước ao trực tiếp và hiệu quả nhất. Trong thời kỳ đầu, mực nước ao nông có thể tháo nước vào ao dần dần từng ngày, mỗi ngày tăng mực nước lên từ 3- 5cm cho đến khi đạt 1,5m thì dừng lại. Trong thời kỳ nuôi dưỡng, nếu nhiệt độ không khí và nước cao, thì nên nâng cao mực nước trong ao hết mức có thể; đồng thời căn cứ vào tình trạng chất nước, cách 2-3 ngày thay 20- 30% lượng nước trong ao. Thời kỳ cuối, nhiệt độ nước thích hợp, độ ô nhiễm của đáy ao lại tăng lên, nên giảm lượng nước trong ao một cách thích hợp, tăng lượng nước mới cho ao. Lưu ý khi điều tiết nước cần chú ý đến sự biến đổi độ mặn của nước không được quá lớn, tránh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm.

– Sục khí tăng ô xy: Nếu có điều kiện nên lắp đặt máy sục khí để tăng lượng ô xy trong nước cho tôm (nồng độ ô xy trong nước thường giảm vào ban đêm và sáng sớm, thường lúc đó tôm nổi đầu để lấy ô xy).

– Rắc vôi sống: Cứ cách 15- 20 ngày rắc 20 gram vôi sống/m3 nước ao để nâng cao độ pH của nước, làm sạch chất nước, tăng hàm lượng vôi trong nước, đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của tôm.

6. Kích thích cho tôm lột xác đồng loạt

Tôm lột vỏ theo chu kỳ sinh trưởng, hoặc lột vỏ khi có biến động môi trường, như: nhiệt độ, độ mặn… Để tôm lột vỏ đồng loạt, có thể thay một phần nước trong ao (thực chất là thay đổi nhiệt độ để kích thích tôm), dùng hóa chất kích thích lột vỏ như: Formol, saponin, vôi… (thường dùng hóa chất kích thích lột vỏ 2 lần/tháng). Tôm nhỏ khi lột vỏ sẽ cứng lại trong vòng 1- 2 giờ, tôm lớn khi lột thì vỏ sẽ cứng lại trong vòng 1-2 ngày.

Sử dụng Saponin không những làm tôm lột vỏ đồng loạt mà còn có khả năng diệt một số loài cá tạp và các loại ký sinh có hại, làm sạch tôm, giảm pH…

Cho tôm ăn đầy đủ và có thể sử dụng thêm một số loại chế phẩm khoáng, vitamin để giúp tôm lột vỏ nhanh và mau cứng sau khi lột.

7. Cách xử lý khi tôm bị bệnh

Cải tạo môi trường nuôi tốt

Kiểm tra và cải tạo môi trường ao nuôi bao gồm các bước sau:

– Quản lý chặt chẽ việc cho tôm ăn, khi tôm bị bệnh, khả năng bắt mồi giảm do vậy việc cho ăn phải hết sức thận trọng, tránh dư thừa.

– Tăng cường thay nước nếu thấy cần thiết, lưu ý phải kiểm tra tình hình dịch bệnh đốm trắng, đầu vàng ở thời điểm đó và sự phù hợp của việc thay nước để quyết định.

– Thực hiện nghiêm ngặt quy trình sử dụng hóa chất và Probiotic.

Sử dụng kháng sinh

Việc sử dụng kháng sinh đạt được kết quả chỉ khi nào phát hiện và xác định chính xác kịp thời. Phải xử lý ở giai đoạn tôm chưa có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh mặc dù kiểm tra số lượng nhiễm khuẩn ở gan đã nhiều hơn mức cho phép. Ở giai đoạn này tôm vẫn ăn mồi tốt, do vậy việc xử lý sẽ đạt kết quả cao.

– Kháng sinh được sử dụng rộng rãi cho kết quả tốt là Nhóm quinolone, như: Oxolomic acid, Norfloxacin, Enrofloxacin (nhóm quinolone đã cấm sử dụng); kháng sinh thuốc nhóm sulfamid: Sulfadimidin, Trimethoprim, Methoxazon.

– Thời gian sử dụng liên tục 3-5 ngày, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần cách nhau 8 giờ. Lưu ý phải bao thức ăn đã có thuốc bằng chất kết dính, tránh thuốc bị hòa tan và khuếch tán trong nước (trong trường hợp này không nên dùng dầu gan mực sẽ gây khó tiêu cho tôm).

Sử dụng Probiotic

Sau 5 ngày sử dụng kháng sinh bắt buộc phải sử dụng ngay các chế phẩm sinh học để phục hồi lại hệ vi sinh vật đường ruột cho tôm.

8. Phòng trị một số bệnh thường gặp

Bệnh đen mang

Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh đen mang (có thể thấy màu vàng) thường có nguyên nhân đáy ao không sạch, có chất hữu cơ nhiều. Bệnh thường xuất hiện trong ao nuôi có mật độ cao; ao không, hoặc ít thay nước. Bình thường bệnh xảy ra lúc tôm lớn (từ 2,5- 3 tháng trở lên).

Chữa trị: Thay nước đáy ao (nên có ao xử lý nước trước khi sử dụng nước). Dùng Granulite (Zeolite dạng hạt) để hấp thụ các khí độc ở đáy ao, mỗi lần từ 5- 7 ngày. Có thể dùng thêm kháng sinh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật pha trộn với thức ăn cho tôm để phòng trị bệnh từ vi khuẩn (nên dừng sử dụng thuốc kháng sinh trước khi thu hoạch từ 15- 20 ngày). Dùng vi sinh vật (BS- I) để giúp phân hủy chất hữu cơ.

Phòng bệnh: Quản lý việc cho tôm ăn tốt, đừng để thức ăn thừa nhiều trong ao, nên dùng loại thức ăn chất lượng cao, cần có ao lắng nước để xử lý nước và thay nước khi cần thiết. Trường hợp không thể thay nước được, nên dùng vi sinh vật nói trên để giúp phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao và kết hợp với dùng Zeolite (loại có thể hấp thụ Ammonia được = Asahi Zeolite/Sitto Zeolite/Granulite) để quản lý chất khí độc trong và đáy ao nuôi.

Bệnh đóng rong trên tôm

Nguyên nhân: Bệnh chủ yếu do môi trường tạo ra, trong đó tác nhân chính là tảo, nấm, động vật nguyên sinh và vi khuẩn tác động lên nhau tạo thành bệnh.

Triệu chứng: Toàn thân bị đơ, tập trung ở phần đầu, ngực, mang… Kiểm tra tôm trong sàn ăn (vó) thấy vỏ tôm trơn giống như có nhớt bám và đôi lúc thấy có rong, tảo bám vào, vỏ không sạch. Tôm bị bệnh thường bỏ ăn, yếu, ít di chuyển và cặp mé bờ; mang thường bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc.

Phòng trị: Quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ô xy cho tôm. Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường, đồng thời kích thích cho tôm lột vỏ. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, có thể dùng Formol liều lượng từ 15- 20ppm xử lý vào ban ngày sau đó thay nước, nếu đóng rong vẫn chưa hết thì tiếp tục xử lý lần thứ hai.

Bệnh rụng râu, phồng đuôi, đốm đen, đốm nâu…

Nguyên nhân: Bệnh do các vi khuẩn Vibrio, Aeromonas, Pseudomonas…ốc trong ao gây nên.

Chữa trị: sử dụng Virkon 0,5- 0,9ppm (0,5- 0,9kg/1.000m3 nước) hòa với nước rồi đổ đều xuông ao. Liều dùng này còn có thể trị được các bệnh do vi khuẩn gây nên như: bệnh phát sáng, phồng đuôi, đốm đen…

Phòng bệnh: Sử dụng Virkon 0,3ppm (0,3kg/1.000m3 nước) hòa nước rồi đổ đều xuống ao định kỳ 10 ngày một lần; hoặc sử dụng Virkon 0,5ppm (0,5kg/1.000m3 nước), định kỳ 15 ngày/lần. Xử lý kỹ ao nuôi trước khi thả tôm; tránh lây bệnh từ các ao nuôi lân cận (sử dụng riêng vợt, chài, vó…cho từng ao; sát trùng các dụng cụ dùng chung).

Ngoài ra có thể sử dụng các loại kháng sinh khác để phòng và trị bệnh đứt râu: Anti-vibrio F/S2, Flume F/S2, Flumecol- T, Vime-antidisea, Vimecol for shrimp của Vemedim Việt Nam.

Có thể sử dụng định kỳ các vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm.

9. Một số lưu ý khi nuôi tôm trong mùa nắng

Vào mùa nắng, nước trong các tuyến sông và trong ao thường cạn kiệt, nhiệt độ nước, độ mặn, độ kiềm tăng cao, tảo phát triển nhiều… dẫn đến các bất lợi đối với tôm. Cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Gia cố bờ ao, hạn chế rò rỉ nước.
  • Nên có ao lắng để chủ động nguồn nước, có máy bơm để bơm nước khi cần thiết.

– Luôn giữ mực nước trong ao từ 30cm trở lên, dưới kênh mương từ 1m trở lên để đảm bảo môi trường nuôi ít dao động, giảm sốc cho tôm.

– Cần kiểm tra thường xuyên các thông số môi trường và theo dõi các hoạt động của tôm.

– Khi nhiệt độ nước tăng 32 độ C, tôm ít hoạt động, nằm yên, ngừng ăn, do đó rất dễ bị bệnh đóng rong, đen mang.

– Khi trời nắng nóng có sự giao động lớn giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ môi trường nước; do đó tránh gây sốc hoặc làm động tôm, như: chài, mò bắt…

– Mùa nắng, nước cạn độ mặn thường tăng cao, độ trong thấp, rong, tảo phát triển nhiều, pH dao động trong ngày lớn, ô xy giảm thấp vào ban đêm… dẫn đến tôm khó lột xác, chậm lớn, bị đỏ thân do thiếu ô xy… Nếu có điều kiện nên cấp nước bù vào ao (cấp từ từ, khoảng 20- 30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, lúc chập tối và cấp qua ao lắng). Nên sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao.

– Khi xuất hiện mưa trái mùa, cần theo dõi quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc.

– Khi trời nắng kéo dài, nước bốc hơi làm mực nước trong ao xuống thấp, độ mặn tăng cao, do đó có sự chênh lệc lớn về độ mặn giữa tôm giống và ao nuôi. Nếu thả tôm giống vào thời điểm này, có thể thuần hóa độ mặn tôm giống từ từ để phù hợp với độ mặn ao nuôi.

0888884272
Zalo: 0888884272 Nhận bảng giá & tư vấn miễn phí